icon-back
icon-facebook icon-share-url
07:39 31/3/2021・
Báo chí nói về Waka・
1.033 lượt xem

[Diễn đàn Doanh nghiệp] Mô hình kinh doanh nền tảng và đường ống: Ma mới bắt nạt ma cũ?

Trong vài năm trở lại đây, cụm từ “mô hình nền tảng” hay “platform” dường như trở thành những từ khóa “hot” trên tất cả mọi diễn đàn chính thức và không chính thức, báo chí, mạng xã hội và cả trong những câu chuyện vỉa hè. Nếu bạn tìm kiếm trên Google cụm từ “mô hình nền tảng” lập tức sẽ nhận được 803.000 kết quả trong vòng 0.3 giây. Trong khi đó, nếu gõ cụm từ “mô hình đường ống” thì chỉ thu về 392.000 kết quả trong vòng 0.33 giây. Có vẻ là mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng mô hình nền tảng đang áp đảo mô hình đường ống (pipe) truyền thống bằng cách thu hút hết sự quan tâm của cả thế giới về phía mình và trỗi dậy mạnh mẽ với tốc độ chóng mặt.

 

 

Vậy mô hình kinh doanh nền tảng là gì và nó đang “bành trướng” như thế nào?

 

 

Theo Geoffrey G. Parker – tác giả cuốn sách “Platform Revolution” (Cuộc cách mạng nền tảng), nền tảng là một giao dịch dựa trên việc kích hoạt sự tương tác tạo nên giá trị giữa các nhà sản xuất bên ngoài và người tiêu dùng. Nó cung cấp một cơ cấu hạ tầng mở và có tính hỗ trợ cho những tương tác này và thiết lập các trạng thái điều hành chúng. Mục đích tổng thể của nền tảng là tạo ra sự tương thích hoàn toàn giữa người dùng với sự thuận lợi trong trong việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ hay tiền tệ, qua đó kích hoạt việc tạo ra giá trị cho tất cả những người tham gia.

 

Điểm khác nhau giữa mô hình nền tảng và mô hình đường ống truyền thống

 

Nói một cách đơn giản hơn, đặc trưng của nền tảng chính là sự kết nối dựa vào công nghệ và những giá trị mà sự kết nối đó mang lại. Trước khi có internet, chưa ai nghĩ đến mô hình kinh tế nền tảng. Trong mô hình kinh tế nền tảng, internet đóng vai trò trọng yếu như là một cơ chế kết nối hữu hiệu và là xương sống của tất cả mọi sự phát triển nền tảng. Nhờ có internet, tất cả những người tham gia giao dịch (bên bán và bên mua) có thể kết nối với nhau và thực hiện những tương tác tạo ra giá trị mọi lúc mọi nơi. Điều này giúp loại bỏ hoàn toàn “người gác cửa” là những công ty đại lý trung gian vốn thường hay tạo ra những rào cản về mặt thời gian và tâm lý cho khách hàng.

 

 

Một ví dụ về mô hình kinh doanh nền tảng thời gian vừa qua đã làm tốn không ít “giấy mực” của giới truyền thông thế giới và Việt Nam đó là câu chuyện Uber và Grab. Cả hai đều từ chối nhận mình là hãng vận tải mà chỉ đơn thuần là công ty công nghệ, cung cấp nền tảng để kết nối chủ xe đang có thời gian rỗi và khách hàng có nhu cầu đi xe. Hàng trăm nghìn xe ô tô tham gia vào mạng lưới Uber và Grab đều không thuộc quyền sở hữu của công ty này. Dù tòa án châu Âu và một số quốc gia có phán quyết rằng Uber và Grab là công ty vận tải chứ không phải là công ty công nghệ và cuộc tranh cãi này vẫn chưa ngã ngủ ở nhiều thị trường mà hai thương hiệu này tham gia, thì bản chất, sự phát triển nhanh như vũ bão của họ cũng chính là nhờ mô hình nền tảng.

 

 

Mô hình nền tảng “bành trướng” đến cỡ nào trong nền kinh tế ngày nay?

 

 

Mô hình nền tảng đã xuất hiện và nhanh chóng lan nhanh như virus đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế, từ lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh đến sản phẩm công nghệ cao.

Ngày nay, nếu muốn tìm mua một chiếc dao cạo râu, người dùng chỉ cần lên Lazada, shopee hay xa xôi kỳ công hơn nữa là eBay, Amazon hay Alibaba. Có rất nhiều nhà sản xuất sẵn sàng phục vụ nhu cầu của bạn và chuyển hàng đến tận nhà. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất cũng không phải tốn kém chi phí nhân sự và mặt bằng để vận hành các chuỗi cửa hàng. Cuối cùng là, chi phí bán hàng giảm xuống và giá bán đến tay người tiêu dùng không bị đội lên như trước.

 

 

Trong lĩnh vực truyền thông, Google và Facebook đã dùng chính mô hình nền tảng này để làm thay đổi cán cân và chao đảo cách thức quảng cáo truyền thống. Thời kỳ hoàng kim của những trang quảng cáo báo in đã kết thúc và các thương hiệu đều đổ dồn chi phí marketing cho kênh kỹ thuật số (digital) thay vì truyền hình hay báo in như trước đây.

 

 

Ngay trong lĩnh vực vốn được coi là “chậm” thay đổi như xuất bản sách, cuộc cách mạng công nghệ đã dịch chuyển một phần nhu cầu đọc từ đọc sách giấy sang đọc sách điện tử. Và sau đó, các nhà phát triển công nghệ nhanh chóng đưa ra những nền tảng kinh doanh đặc thù cho ebooks. Những cái tên lớn trên thế giới có thể kể đến như mô hình self-publishing (tạm dịch là “tự xuất bản”) của Amazon (KDP), iBook Authour của Apple, Kobo Writing Life hay Smashwords.

 

 

Tại Việt Nam, trong khi một loạt các nhà xuất bản và / hoặc công ty phát hành lớn tự bỏ tiền ra phát triển nền tảng của riêng mình rồi nhận ra là bị “hụt hơi” khi phải gồng gánh cả phần đầu tư và vận hành cơ sở hạ tầng của mảng sách in và sách điện tử, thì Vega Corporation có vẻ đã dự đoán được kết cục đó cũng như nhu cầu của các nhà xuất bản ít tiềm lực khác để cho ra đời nền tảng xuất bản điện tử Waka. Sau vài năm đảm nhận vai trò nhà phân phối ebooks và tích cực xây dựng cộng đồng người dùng, mới đây, Waka đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác tác phẩm với Saigon Books – chính thức cung cấp nền tảng trọn gói cho nhà phát hành này kinh doanh ebooks trên Waka. Theo thỏa thuận hợp tác, Waka sẽ tạo riêng một tủ sách của Saigon Books trên nền tảng Waka (bao gồm cả trên web, wap và app). Điều này sẽ mang lại sự tiện lợi tối đa cho những độc giả chỉ yêu thích phong cách sách của nhà phát hành này.

  

 

Sự “bành trướng” của mô hình nền tảng không chỉ thể hiện ở bề rộng và cả chiều sâu, khi nó đang thay đổi thói quen kinh doanh và mua sắm của mọi cá nhân và tổ chức, buộc mọi công ty phải trở thành công ty công nghệ và mọi cá nhân trở thành công dân công nghệ để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng mới. Điều đó lý giải tại sao các cửa hàng siêu thị truyền thống trở nên vắng khách và người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn cho các thiết bị di động của mình.

 

Nếu nói là mô hình nền tảng đang “nuốt chửng” mô hình đường ống có thể là hơi quá lời vì vẫn có những lĩnh vực ngành nghề chưa tiệm cận với mô hình mới này và vẫn đang tiếp tục “sống tốt” theo cách cũ. Tuy nhiên, rõ ràng là mô hình nền tảng đang ngày càng “bành trướng” và buộc mọi công ty trong vai trò là nhà sản xuất và cá nhân trong vai trò người tiêu dùng phải thay đổi.

 

Độc giả có thể tìm hiểu thêm về nền tảng xuất bản điện tử tại Waka.vn

 
icon-tooltip

Hỗ trợ

Công ty Cổ phần Sách điện tử Waka - Tầng 6, tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, số 106, đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD số 0108796796 do SKHĐT TP Hà Nội cấp ngày 24/06/2019
Giấy xác nhận Đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử số 8132/XN-CXBIPH do Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp ngày 31/12/2019
Giấy chứng nhận Đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng Viễn thông di động số 19/GCN-DĐ do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử ký ngày 11/03/2020
Số VPGD: 024.73086566 | Số CSKH: 1900545482 nhánh 5 | Hotline: 0877736289