icon-back
icon-facebook icon-share-url
13:45 16/11/2023・
Tin Khác・
1.906 lượt xem

Truyện Cười Dân Gian: Từ Giải Trí Đến Phê Phán Xã Hội

Truyện cười dân gian là thể loại truyện độc đáo, phức tạp, được gọi bằng các tên khác như truyện tiếu lâm, truyện tấu hài,... Những mẩu truyện dân gian được kể với mục đích giải trí cho người đọc và hơn hết là để “cà khịa” những thói hư, tật xấu của giai cấp thống trị, lãnh đạo của vua chúa, quan tham thối nát xã hội đương thời. 

Theo Wikipedia định nghĩa: "Truyện cười là thể loại văn học dân gian, là một lĩnh vực truyện kể dân gian rộng lớn, đa dạng, phức tạp bao gồm những hình thức được gọi bằng những danh từ khác nhau có tác dụng gây cười, lấy tiếng cười để khen chê và mua vui,giải trí"

Mặc dù là truyện cười nhưng nó chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc và giáo dục đạo lý làm người. Từ đó giúp chúng ta rút ra được những bài học có giá trị cho cuộc sống.

Đặc điểm nổi bật của truyện cười dân gian

Ngôn ngữ phong phú, gần gũi: với mục đích đem lại tiếng cười cho người đọc nên truyện cười rất gần với phong cách đời sống hàng ngày. Các nhân vật ngẫu nhiên trong truyện cũng được đặt tên rất dễ nhớ, thân thuộc với chúng ta.

Nội dung đa dạng, phong phú, chứa đựng bài học đời: ngoài truyện cổ tích, truyện cười dân gian là thể loại tiếp theo phản ánh, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội phân cấp ngày xưa. Những lối xử trí thông minh không kém phần lém lỉnh trong các tình huống trớ trêu ấy tạo ra cái kết đẹp và bài học cho những kẻ xứng đáng.

Phản ánh đời sống, tập quán, phong tục của dân tộc: tính châm biếm của truyện cười xuất phát từ mạch văn hoá của người Việt “thương cho đòn”. Đây cũng là kiểu ứng xử giàu tính nhân bản của dân tộc ta, tư duy cụ thể nhưng không trực tiếp hướng vào đối tượng mà thiên về kiểu lấp lửng, nói vòng vo.

Tuyển tập những mẩu truyện cười dân gian và ý nghĩa

Thầy bói xem voi

Được ngày rảnh rỗi nên năm ông thầy bói mù rủ nhau ngồi tán phét.

Vì chưa nhìn thấy con voi bao giờ nên không biết hình thù nó ra sao. Bỗng dân tình tám nhau có người dắt voi đi qua. Cả năm ông cùng vun tiền cho người quản voi dừng lại để xem. Ông thì sờ vòi, ông thì sờ ngà, ông sờ chân, ông sờ tai, ông còn lại thì sờ đuôi. Sau một hồi sờ mó thì lần lượt phán.

Thầy sờ vòi phán: “ Tôi tưởng con voi như nào, hoá ra nó sần sùi như con đỉa”

Thầy sờ ngà thì phán: “ Đâu có, nó vừa dài vừa cứng như cái đòn gánh”

Thầy sờ tai phản ứng: “ Không phải, nó bè bè như cái quạt thóc”

Tiếp đến thầy sờ chân bảo: “Các ông sai cả rồi, nó đứng sừng sững nó cái cột đình”

Cuối cùng thầy sờ đuôi mới lên tiếng: “ Bốn ông chả ai nói đúng, tôi thấy nó tua tủa như cái chổi cùn vậy”

Năm ông không ai chịu nghe ai nên lao vào cãi lộn rồi đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán.

Đây là một trong những truyện cười dân gian kinh điển của Việt Nam mang ý nghĩa theo hướng phiến diện, một chiều. Khi nhìn nhận sự việc phải có cái nhìn bao quát đa chiều, tiếp nhận ý kiến của mọi người. Ngoài ra, truyện còn phê phán những người thiếu hiểu biết nhưng lại tỏ ra thông minh.


Lợn cưới áo mới

Trong làng có một anh tính hay khoe khoang. Một lần mới may được chiếc áo mới nên đem ra mặc rồi đứng ở cửa hóng, đợi có người đi qua khen. Đứng trầy trật từ sáng đến chiều nhưng không có ai hỏi cả, anh ta tức lắm.

Đang bực, chợt có một anh tất tưởi chạy đến, tính cũng khoe của, hỏi to: “Chú có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua không?”

Anh chàng này giơ ngay vạt áo lên, bảo: “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!”

Câu chuyện trên phê phán tính cách hay khoe của con người, khoe khoang tới mức lố bịch. Đây được coi là thói xấu của con người, cần phải khắc phục. 


Quan đối với “chó”

Có một hôm quan huyện Thạch Thành đi ngang qua bến đò Thạch gặp thằng bé cắp sách đi học về. Thằng bé nhìn có vẻ lơ láo. Quan gọi lại bảo: “Mày đã cắp sách đi học chắc phải biết đối, tao sẽ cho một vế, nếu đối lại được thì ta thưởng, còn không sẽ bị đánh đòn vì tội vô lễ. Rõ chửa?”

Thằng bé ngu ngơ gật đầu. Quan bèn đọc: “Quan huyện Thạch sang bến đò Thạch”.

Thằng bé gãi gãi đầu: “ Dạ bẩm…quan có cho phép thì con mới nói!”

Quan giục: “Cứ đối xem”.

Bấy giờ, thằng bé mạnh bạo đọc to: “Con chó ăn cục c* vàng”.

Bài học trên ca ngợi trí thông minh của tầng lớp nhân dân trong xã hội cũ và châm biếm những kẻ làm quan nhưng mang thói hách dịch, cậy quyền cậy thế.


Người chết nhầm thì có

Có một thầy đồ ngồi dạy học thêm ở nhà kia. Một ngày nọ, vợ chủ nhà chết, chủ nhà nhờ thầy viết hộ một bài văn tế. Thầy liền nhanh chóng làm ngay bài văn lần trước tế bố mình cho chủ nhà. 

Lúc đọc lên, mọi người trong dân làng cười ầm ĩ. Chủ nhà trách: “Sao thầy lại nhầm như vậy?”

Thầy trừng mắt lên cãi: “ Văn tôi tế làm sao mà nhầm được! Có mà, người nhà ông chết nhầm thì có!”

Truyện tiếu lâm trên châm biếm những kẻ dốt nát, giấu dốt nhưng không dám nhận mình làm sai mà còn cãi cố.


Chiếm hết chỗ

Một người ăn mày nọ luộm thuộm, rách rưới đến nhà của một địa chủ nhà giàu xin ăn. Ông nhà giàu này không những không cho mà còn mắng: “Biến ngay! Trông ngươi như từ dưới địa ngục lên ấy!”

Lão ăn mày vội vã trả lời: “Đúng, tôi ở dưới đó lên đấy!”

Người địa chủ lại nói: “Đã xuống địa ngục còn ngoi lên đây làm gì cho chướng mắt?”

Người ăn mày đáp: “Ở không được nên mới phải lên trần gian. Dưới đấy, bọn nhà giàu tranh chỗ hết cả rồi!”

Câu chuyện trên chỉ rõ thực trạng phổ biến của giai cấp giàu - nghèo xã hội xưa, phê phán sự hách dịch của bọn nhà giàu và cảm thông số phận của những con người nghèo khổ.

Thể loại truyện cười dân gian luôn được mọi người săn đón và nhận được nhiều sự yêu thích của độc giả bởi sự súc tích, ngắn gọn và dễ hiểu. Thông qua đó cũng rút ra cho chúng ta những bài học để truyền tải thông điệp tốt đẹp. Các mẩu truyện tạo ra những tiếng cười sảng khoái sau một ngày học tập và làm việc mệt nhoài.

icon-tooltip

Hỗ trợ

Công ty Cổ phần Sách điện tử Waka - Tầng 6, tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, số 106, đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD số 0108796796 do SKHĐT TP Hà Nội cấp ngày 24/06/2019
Giấy xác nhận Đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử số 8132/XN-CXBIPH do Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp ngày 31/12/2019
Giấy chứng nhận Đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng Viễn thông di động số 19/GCN-DĐ do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử ký ngày 11/03/2020
Số VPGD: 024.73086566 | Số CSKH: 1900545482 nhánh 5 | Hotline: 0877736289