icon-back
icon-facebook icon-share-url
10:50 17/11/2022・
Báo chí nói về Waka・
695 lượt xem

[Việt Nam Plus] 70 năm ngành xuất bản Việt Nam: Chuyển đổi số để đưa sách đi xa hơn

70 năm ngành xuất bản Việt Nam: Chuyển đổi số để đưa sách đi xa hơn

Dọc chiều dài lịch sử đất nước, ngành xuất bản luôn đồng hành cùng dân tộc, phát huy truyền thống văn hiến, yêu nước. Nhiều tác phẩm sách văn hóa, văn học, nghệ thuật ra đời, gắn với những tên tuổi tác giả có giá trị, được quần chúng yêu mến, trân trọng. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên khẳng định với những kết quả đạt được, ngành xuất bản xứng đáng là công cụ tư tưởng sắc bén của Đảng, trở thành hành trang để cùng nhân dân xây dựng đời sống văn minh, hiện đại.

'Mất một mùa chữ, mất chín mùa người'

Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết về chặng đường xây dựng và phát triển của ngành văn hóa Việt Nam đã khẳng định: Có hai phong trào góp phần quan trọng vào chiến thắng đế quốc Mỹ, đó là phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” và “Đọc sách có hướng dẫn.” Điều này khẳng định vai trò quan trọng của sách trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Ngày nay, mỗi nhà xuất bản đều có những đóng góp tích cực vào công cuộc bảo tồn, phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời giúp người đọc mở mang hiểu biết, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và dân tộc.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng nhân loại có hai nguồn dinh dưỡng rất quan trọng, đó là lương thực và tri thức (hay nói cách khác là sách). Trong cuộc trò chuyện về sách với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông nhiều lần nhắc đến câu: “Mất một mùa chữ, mất chín mùa người.”

vnp_nguyenquangthieu.jpg

Nhà thơ khẳng định sách có vai trò khám phá và truyền bá vẻ đẹp của tiếng Việt, tạo ra chiều kích mới về tư tưởng, mỹ học của tiếng Việt trong từng giai đoạn phát triển đất nước. Qua đó, sách dựng nên nhân cách Việt Nam thông qua những nhân vật sáng tạo của mình, đó chính là tâm hồn Việt Nam, lối sống Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam, văn hóa Việt Nam và giấc mơ Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định sách đã khai thác và làm hiển lộ những địa tầng mới của văn hóa Việt đồng thời “văn học hóa, văn hóa hóa” đường lối của Đảng trong từng giai đoạn lịch sử dân tộc, đồng hành cùng nhân dân trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

“Trong quá khứ, sách đã góp phần vô cùng to lớn vào hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Thời đại ngày nay, sách là ‘chiến binh’ trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác và nuôi dưỡng những vẻ đẹp nhân tính của con người Việt Nam, tạo cảm hứng sống và xây dựng lý tưởng sống cho nhiều thế hệ người Việt Nam,” ông chia sẻ.

Bên cạnh ý nghĩa về mặt đối nội, các xuất bản phẩm còn dựng lên chân dung con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt Nam trước thế giới. Ở cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng thấy rất nhiều nước trên thế giới đã đến với “đất nước hình chữ S” thông qua những tác phẩm văn học Việt Nam mà họ biết.

Ông Phạm Trần Long, Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ví von: “Nếu coi thông tin đối ngoại là một mặt trận, thì báo chí đóng vai trò lực lượng đánh ‘giáp lá cà’, tạp chí là lực lượng ‘pháo binh tầm trung,’ còn sách là ‘binh chủng tên lửa tầm xa’.”

“Cả ba loại hình này đều nhằm phục vụ mục tiêu chung về quảng bá hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng độc giả của từng loại hình có khác nhau nên cách thức tiếp cận và hình thức thể hiện vẫn có những điểm khác biệt. Sách hướng tới đối tượng độc giả có thời gian hơn, mong muốn tiếp cận những tri thức sâu về các lĩnh vực chuyên ngành,” ông Phạm Trần Long giải thích.

Khoảng cách số, “nỗi đau” sách lậu

Tính đến hết năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, hoạt động xuất bản vẫn có bước phát triển tích cực. Toàn ngành xuất bản khoảng 40.000 đầu sách với 460 triệu bản (tăng trên 1,5 lần so với năm 2001); tổng doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt 2.996,7 tỷ đồng (tăng 1,4 lần so với năm 2002).

vna_potal_nha_sach_dong_cua_phu_huynh_tim_mua_sach_giao_khoa_qua_mang_5606274.jpg

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động xuất bản đang đối mặt với những thách thức to lớn của thời đại, khi mạng xã hội và cuộc sống số khiến con người thay đổi hành vi bao gồm thói quen đọc sách.

Trước đây, bắt gặp một cuốn sách hay, người ta thường hỏi nhau rằng cuốn sách này mua ở đâu. Ngày nay, nhiều bạn trẻ sẽ đặt câu hỏi “có bản PDF không?” Họ sẽ chia sẻ cho nhau những đường link để có thể đọc sách điện tử miễn phí mà không quan tâm đến vấn đề bản quyền.

Đó là trăn trở của ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử Waka cùng nhiều doanh nghiệp xuất bản.

“Các bạn trẻ chưa đủ nhận thức để tiếc cho công sức, chi phí của doanh nghiệp đổ vào việc mua bản quyền, xin giấy phép, dịch thuật, biên tập, in ấn, số hóa sách… Họ chỉ quan tâm đến việc có thể tìm cuốn sách đó ở đâu nhanh chóng và miễn phí,” ông Đinh Quang Hoàng nói.

waka-resized.jpg

Ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử Waka

“Các bạn trẻ chưa đủ nhận thức để tiếc cho công sức, chi phí của doanh nghiệp đổ vào việc mua bản quyền, xin giấy phép, dịch thuật, biên tập, in ấn, số hóa sách… Họ chỉ quan tâm đến việc có thể tìm cuốn sách đó ở đâu nhanh chóng và miễn phí.

vnp_xuatban.jpg

Ở góc độ quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử diễn biến hết sức phức tạp và trở thành rào cản làm nản lòng các doanh nghiệp hoặc nhà xuất bản muốn phát triển xuất bản điện tử.

Mặc dù điều kiện công nghệ đã và đang được hoàn thiện, nhu cầu và thái độ của bạn đọc đối với sách điện tử đang chuyển biến tích cực, song vấn nạn vi phạm bản quyền vẫn tiếp tục là điểm mấu chốt ngăn cản một thị trường sách điện tử lành mạnh phát triển.

Theo Cục trưởng Nguyễn Nguyên, các website sách lậu cho phép độc giả truy cập miễn phí để tăng traffic (lưu lượng truy cập), từ đó kinh doanh quảng cáo.

“Sự tồn tại của các webside lậu vi phạm bản quyền không chỉ làm thiệt hại trực tiếp cho tác giả và nhà xuất bản cũng như các đơn vị phát hành sách điện tử mà còn làm xói mòn thị trường sách điện tử mới manh nha hình thành đồng thời để lại nhiều hệ lụy cả trước mắt cũng như lâu dài,” ông Nguyên nói.

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, quá trình chuyển đổi số ngành xuất bản đòi hỏi cần có đội ngũ cán bộ có trình độ khoa học công nghệ cao để có thể “tuyên chiến” với sách lậu trên một mặt trận rất mới: Mặt trận thông tin.

q47a2765.jpg

Xây dựng chiến lược quốc gia về sách điện tử

Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược. Do đó, những người làm công tác xuất bản đã nhiều lần bàn bạc, tìm giải pháp phát triển ngành xuất bản Việt Nam phù hợp với xu thế này.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ cho rằng đã đến lúc cần xây dựng một chiến lược quốc gia về sách điện tử để tăng hiệu quả quản lý, tận dụng nguồn lực và lợi ích to lớn của công nghệ để đưa được nhiều sách hơn nữa tới đông đảo bạn đọc, không chỉ trong nước, ở vùng sâu, vùng xa mà còn quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn đọc trên toàn thế giới.

vna_potal_trung_bay_sach_bao_phuc_vu_dai_hoi_xiii__133901646_5268704.jpg

“Đây là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp lý, dẹp bỏ triệt để các hành vi chia sẻ sách lậu trên mạng xã hội, giảm thiểu thiệt hại do vi phạm bản quyền gây ra. Chiến lược này cũng sẽ bao gồm chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ cho các đơn vị xuất bản sách điện tử, đào tạo nhân lực xuất bản điện tử,” ông Nguyễn Thành Nam nói.

Ngoài ra, theo ông Nam, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường đào tạo nhân lực làm sách điện tử có chất lượng cao, am hiểu về xuất bản lẫn công nghệ, có thể tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển vốn có ngành sách điện tử đã và đang đi vào hoạt động hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho hay chiến lược cần tập trung vào e-book (sách điện tử), audio-book (sách nói), VR book (sách thực tế ảo)… đồng thời quy hoạch lại các đơn vị có đủ khả năng để tập trung xuất bản và kinh doanh sách điện tử.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cũng cho rằng phương thức tiếp cận sách của độc giả cùng văn hóa đọc có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ và ngành xuất bản đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Trong bối cảnh đó, thực hiện chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiểt trong giai đoạn phát triển mới; trong đó phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ là hướng đi tất yếu của ngành.

Dẫn chứng, ông Nguyên cho hay tính đến tháng 5/2022, đã có 16 nhà xuất bản đủ điều kiện xuất bản điện tử; từ năm 2019 đến năm 2021 bình quân mỗi năm xuất bản được từ 2.000 đến 2.500 xuất bản phẩm điện tử. Chỉ riêng 3 đơn vị phát hành sách nói Waka, Fonos và WeWe đã có hàng trăm nghìn tài khoản sử dụng thường xuyên với tổng lượt truy cập năm 2021 lên đến trên 20 triệu lượt.

“Chúng tôi xác định phải đổi mới tư duy quản lý, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê, đánh giá các chỉ số phát triển các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trên cơ sở so sánh với chỉ tiêu phát triển khu vực và thế giới,” Cục trưởng Nguyễn Nguyên nói.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số bằng việc tăng số lượng các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành xuất bản phẩm điện tử; có chính sách kuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản, chú trọng đưa các xu hướng hiện đại dựa trên khai thác dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến...

Mục tiêu của ngành là duy trì nhịp độ tăng trưởng doanh thu hằng năm của lĩnh vực xuất bản đạt 4,5%-5%; đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử đạt 15% vào năm 2025.

Tập trung vào sách điện tử như vậy không có nghĩa là ngành xuất bản “bỏ rơi” sách in hay để sách in mất vị thế so với sách điện tử.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng chuyển đổi số và giữ lối xuất bản truyền thống là hai việc cần thực hiện song song. Chuyển đổi số không có nghĩa là triệt tiêu sách giấy.

vnp_sachquocgia4.jpg

“Tôi chưa hình dung đến việc những tác phẩm văn học nghệ thuật đến một ngày nào đó sẽ chỉ còn được ‘đọc bằng tai’, nhưng tôi tin rằng mỗi cách tiếp cận sẽ mang lại một giá trị khác nhau. Có thể trong một không gian yên tĩnh, tôi chọn đọc một cuốn sách giấy. Nhưng khi đang lái xe trên đường, thì tôi chắc chắn sẽ chọn sách nói,” ông chia sẻ.

Thực tế, độc giả vẫn luôn dành tình yêu cho sách in. Thị trường xuất bản Việt Nam ngày càng đa dạng các phiên bản sách đẹp, sách đặc biệt, có những bản giới hạn có giá lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, cách thức tiếp cận sách sẽ thay đổi, nhưng theo hướng tích cực, tạo nên sự đa dạng lựa chọn cho người đọc, khiến văn hóa đọc lan rộng hơn, trở thành một mảnh đất “trăm hoa đua nở”.

Tác giả Minh Thu - báo Việt Nam Plus.

icon-tooltip

Hỗ trợ

Công ty Cổ phần Sách điện tử Waka - Tầng 6, tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, số 106, đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD số 0108796796 do SKHĐT TP Hà Nội cấp ngày 24/06/2019
Giấy xác nhận Đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử số 8132/XN-CXBIPH do Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp ngày 31/12/2019
Giấy chứng nhận Đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng Viễn thông di động số 19/GCN-DĐ do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử ký ngày 11/03/2020
Số VPGD: 024.73086566 | Số CSKH: 1900545482 nhánh 5 | Hotline: 0877736289